Trứng là một thực phẩm rất gần gũi với bữa ăn của chúng ta và cũng là một thực phẩm có thể chế biến thành rất nhiều món ăn bổ dưỡng và hấp dẫn. Tuy nhiên, rất nhiều người lại quá lạm dụng trứng, gần như bữa nào cũng ăn trứng mà không hề chú ý rằng trứng là thực phẩm có chứa rất nhiều cholesterol. Nhiều thông tin cũng cho rằng do tỷ lệ cholesterol trong trứng quá nhiều là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh lý tim mạch. Vậy thực hư của chuyện này ra sao, cùng tham khảo các thông tin được nêu ra trong bài viết dưới đây.
-
Cholesterol và những tác động của nó tới sức khỏe
Nhắc đến Cholesterol, hầu hết mọi người sẽ nghĩ ngay đến thủ phạm gây ra các bệnh lý tim mạch và đột quỵ. Tuy nhiên, trên thực tế, cholesterol là hợp chất rất quan trọng với cuộc sống của con người. Cholesterol tham gia vòa quá trình tổng hợp màng tế bào, các hoormon thiết yếu như testosterone, estrogen, acid mật giúp tiêu hóa và thấp thu chất béo…
Cholesterol có 2 nhóm chính là LDL-C hay còn gọi là Cholesterol xấu và HDL-C hay còn gọi là Cholesterol tốt.
- LDL-C có nhiệm vụ mang Cholesterol từ gan đi khắp cơ thể. Khi nồng độ LDL-C trong máu cao, những hạt này sẽ tích tụ, bám mảng trên thành động mạch và làm hẹp các mạch máu, cản trở sự lưu thông của máu, gây đau tức ngực và dẫn đến các bệnh lý tim mạch.
- HDl-C, đây được gọi là Cholesterol tốt cũng bởi vì nó tác dụng hoàn toàn ngược lại với LDL-C, chúng có khả năng dọn dẹp cholesterol trong máu, trong LDL và cả trong thành động mạch, mang chúng trở ngược về gan để thanh lọc.
Như vậy, nồng độ LDL-C trong máu càng thấp, HDL-C trong máu càng cao thì khả năng mắc các bệnh lý tim mạch càng thấp. Nhiều nghiên cứu cũng đã cho thấy mối quan hệ giữa hàm lượng LDL-C trong máu với nguy cơ tăng cao của bệnh tim mạch.
-
Ăn nhiều trứng có làm gia tăng cholesterol không?
Trứng là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, trong đó, ngoài chứa cholesterol thì trứng còn có hàm lượng calo và chất béo bão hòa khá thấp, giàu đạm, vitamin, khoáng chất và một số chất dinh dưỡng khác như lutein và zeaxanthin (tốt cho mắt), choline (cần thiết cho não và hệ thần kinh)…
Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, những người tiêu thụ trứng còn tiêu thụ một lượng lớn thịt đỏ, bơ, thức ăn chế biến (như thịt xông khói, giăm bông, xúc xích) có nhiều chất béo bão hòa - nhân tố chính ảnh hưởng trực tiếp đến lượng mỡ trong máu và nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch nếu sử dụng trong thời gian dài...
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, chúng ta nên giới hạn mức cholesterol dung nạp từ thực phẩm dưới mức 300mg/ngày chứ không loại bỏ hoàn toàn. Trong khi đó, trung bình, chỉ riêng một lòng đỏ trứng đã chứa đến 164mg cholesterol.
Do đó, trứng không hoàn toàn là thủ phạm trực tiếp của vấn đề tăng cholesterol máu, tuy nhiên việc ăn quá nhiều trứng trong thời gian dài chính là tác nhân khiến cơ thể được cung cấp dư thừa cholesterol và là yếu tố gia tăng nguy cơ của các bệnh lý tim mạch.
-
Ăn trứng sao cho đúng để hạn chế sự gia tăng cholesterol
Lượng trứng khuyên dùng cho người bình thương khoảng 1 quả/ngày, tuy nhiên, đối với những người mắc bệnh lý đái tháo đường hay gặp khó khăn trong các vấn đề kiểm soát chất lượng nồng độ cholesterol toàn phần, LDL-C trong máu thì chỉ nên giới hạn 3 quả trứng/tuần hoặc sử dụng lòng đỏ trứng để thay thế.
Ngoài ra, bạn cũng cần kết hợp thêm rau xanh, hoa quả, các loại đậu, đỗ… trong chế độ ăn và kiểm soát các đồ ăn dầu mỡ cũng như lượng đạm ăn vào cơ thể mỗi ngày.
Đồng thời, hãy tăng cường vận động bằng việc tham gia vào một môn thể thao nào đó hoặc chỉ đơn giản là thường xuyên đi lại và vận động chứ không nằm ì một chỗ hoặc ngồi làm việc trong thời gian quá dài.
Như vậy việc sử dụng quá nhiều trứng trong bữa ăn là không hề tốt, bởi nó là yếu tốt nguy cơ của bệnh lý rối loạn lipid máu. Chính vì vậy, cách tốt nhất là nên đổi món thường xuyên, không ăn quá 1 quả trứng/ngày và kết hợp với việc thực hiện một chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh.
>>> Xem thêm: